Phản ứng của các bên Đông Nam hỗ bảo

Đối với phản ứng trong nước, phần lớn đốc phủ các tỉnh bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của Lý Hồng Chương, Lưu Khôn Nhất và Trương Chi Động và đồng ý tham gia hiệp ước. Đối với cục diện hỗn loạn ở phía Bắc, một khi Nghĩa Hòa Đoàn lan xuống phía Nam sẽ tạo cớ cho các cường quốc đem quân xâm lấn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội. Từ Lưỡng Quảng, Lưỡng Giang và Hồ Quảng, hiệp ước nhanh chóng được toàn bộ các tỉnh phía Nam ủng hộ, thậm chí phạm vi còn lan đến các tỉnh phía Tây như Tứ Xuyên, Vân Quý, Thiểm Tây. Dân chúng ở các tỉnh phía Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ hành động của các đốc phủ. Đối với triều đình Bắc Kinh do Từ Hy Thái hậu kiểm soát, hành động của các đốc phủ đã thúc đẩy sự thay đổi thái độ của trong nội bộ triều đình. Ngày 14 tháng 8 năm 1900 (20 tháng 7 năm Quang Tự thứ 26), liên quân công chiếm Bắc Kinh, đàn áp đẫm máu Nghĩa Hòa Đoàn. Ngày 20 tháng 8 năm 1900 (26 tháng 7), Từ Hy lấy danh nghĩa Quang Tự hạ "Tội kỷ chiếu", qua đó thừa nhận tính hợp pháp của Đông Nam hỗ bảo.

Đối với phản ứng của các nước, Anh là nước nắm lợi ích nhiều nhất ở lưu vực Trường Giang, do đó Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ với tổng đốc Lưu Khôn Nhất nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Các nước Đức, Pháp và Nhật Bản do cũng muốn đảm bảo lợi ích của mình và ngăn ngừa Anh quốc độc chiếm Trường Giang nên cũng có những hành động tương tự. Nhìn chung bản thân các cường quốc tư bản này đều đã thiết lập tô giới ở Trung Hoa và đã có lợi ích thương mại rất lớn, do đó nếu như Nghĩa Hòa Đoàn lan xuống các tỉnh Đông Nam sẽ đe dọa đến sự ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời bọn họ đều có tâm lý kiềm chế sức mạnh lẫn nhau, do đó hành động của các tỉnh Đông Nam rất được họ ủng hộ. Nhìn chung, thái độ của các cường quốc phương Tây đối với Đông Nam hỗ bảo đã tạo điều kiện duy trì thế cục ổn định này.